100% gió, nước và mặt trời

Việt Nam đứng giữa lựa chọn hoặc thụt lùi hoặc tiến thẳng tới mục tiêu về năng lượng sạch theo xu hướng chung của thế giới.

Nhiều dự án tỉ USD cho năng lượng sạch

Một công trình khảo cứu năm 2015 của Đại học Stanford, California (Mỹ) đưa ra một lộ trình cho 139 quốc gia về sự phát triển và nói lên sức mạnh của nền kinh tế với việc phát triển bền vững các dạng năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời và thủy điện đến năm 2050. Công trình nghiên cứu này đặt ra lộ trình thế giới có thể đạt đến “80% WWS” (wind, water, sunlight: gió, nước và ánh sáng mặt trời) vào năm 2030 và đạt 100% WWS vào năm 2050.

Tất cả hội nghị thượng đỉnh thế giới về môi trường và phát triển đều thể hiện cam kết về phát triển bền vững qua cách tiếp cận mới về xây dựng các đô thị, từ đó nảy sinh ra các cách gọi mới “Đô thị bền vững”, “Đô thị sinh thái” rồi đến “Thành phố thông minh”... Tất cả đều muốn tiến tới mục tiêu xây dựng các đô thị hiện đại, đáp ứng được nhu cầu phát triển của con người nhưng vẫn đảm bảo chất lượng môi trường, sức khỏe của người dân, giảm thiểu tối đa việc phá vỡ cảnh quan tự nhiên, đồng thời bảo tồn được các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Đây là cuộc sống mà mọi con người trên trái đất đều đang hướng tới. Chính vì vậy, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu đã gây phản ứng bất bình trên khắp thế giới, kể cả tại nước Mỹ. Bởi vì Hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp Quốc về chống biến đổi khí hậu (COP21) ở Paris  đã khẳng định chống biến đổi khí hậu là “một tiến trình mà hầu như không thể đảo ngược, trừ phi muốn đi ngược chiều lịch sử”. Tại Trung Quốc, Ấn Độ và ngay cả Mỹ, than đá đang bị dần thay thế bởi khí đá phiến để sản xuất ra điện. Khắp nơi, năng lượng hóa thạch đang thụt lùi. Cách đây 6 tháng, 360 tập đoàn đa quốc gia đã ký vào lời kêu gọi mở rộng cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, cùng thời điểm, có nhiều thông tin đi ngược chiều nhau về phát triển năng lượng. Một mặt, rất nhiều dự án lớn về phát triển điện gió, năng lượng mặt trời được công bố. Đáng chú ý, Tập đoàn GE cùng nhà phát triển năng lượng tái tạo Mainstream Renewable Power và Tập đoàn Phú Cường của Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá 2 tỉ USD nhằm phát triển, xây dựng và vận hành trang trại điện gió với công suất 800MW tại tỉnh Sóc Trăng. Hay mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện gió Hướng Phùng 1 của Tổng Công ty Phát điện 2 có quy mô 30MW, tổng vốn đầu tư 1.265 tỉ đồng. Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận duyệt nhiều dự án sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo, có vốn đầu tư dự kiến khoảng 94.150 tỉ đồng, tập trung chủ yếu tại huyện Tuy Phong và Hàm Tân. Nổi bật trong số này là dự án nhà máy điện mặt trời của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dự án nhà máy điện khí Sơn Mỹ 1 của liên doanh nhà đầu tư Pháp - Nhật với tổng vốn đầu tư 2,2 tỉ USD.

Bài toán đắt, rẻ

Trái ngược với xu hướng đoạn tuyệt với nhiệt điện than đang ngày một gia tăng trên thế giới, Việt Nam cũng tiếp tục mở rộng với kế hoạch đến năm 2030, tăng gấp hơn 3 lần con số 22 nhà máy như hiện nay. Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất đặt máy 13.110MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm. Lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15.700 triệu tấn/năm. Thậm chí, vào năm 2030, tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi vốn đang chịu tổn thương nặng nề do biến đổi khí hậu và tác động của việc dùng nước trên thượng nguồn, sẽ có tới 14 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt hơn 18.000MW.

100% gio, nuoc va mat troi

 Sở dĩ Việt Nam đẩy mạnh phát triển nhiệt điện than là bởi nguồn năng lượng này có giá thành rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay. Cụ thể, đại diện của Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, nhận định sau thủy điện, nhiệt điện than cho giá thành điện thấp, khoảng 7 cent/kWh; vốn đầu tư không quá cao, khoảng 1.500 USD/kWh, thấp hơn thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân.

Tuy nhiên, các chuyên gia Liên hiệp Quốc đánh giá, không thể nói nhiệt điện than rẻ bởi nguồn điện này mới chỉ tính đầu vào. Đã đến lúc cần tính đúng, tính đủ cho giá điện than, bao gồm các chi phí về môi trường, sức khỏe của người dân chịu ảnh hưởng... Đó là chưa kể chi phí đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng cho việc nhập khẩu than như cảng biển, đường giao thông… Nếu cộng tất cả các khoản trên, giá điện than chắc chắn sẽ là nguồn năng lượng đắt nhất.

Nhóm nghiên cứu Đại học Stanford ước tính rằng tổng số chuyển đổi WWS sẽ tiết kiệm cho mỗi đầu người tại 139 quốc gia trung bình là 170 USD/người/năm về chi phí nhiên liệu, 2.880USD chi phí ô nhiễm không khí và 1.930USD chi phí biến đổi khí hậu (năm 2013). Nhóm nghiên cứu của Đại học Stanford cho biết, các yêu cầu sử dụng đất trong dự án năng lượng sạch là rất nhỏ, ở mức tối thiểu, chỉ chiếm 0,29% diện tích đất. Theo tác giả Mark Z. Jacobson, WWS không chỉ bao gồm năng lượng/điện mà còn ảnh hưởng tới lĩnh vực giao thông vận tải, hệ thống sưởi, làm lạnh, ngoài ra, còn ảnh hưởng nhiều ngành công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Trên hết, Stanford cho biết những lợi ích chính của việc chuyển đổi WWS gần như loại bỏ hiểm họa ô nhiễm môi trường, một số bệnh tật và giảm tử vong và tình trạng trái đất nóng lên, tạo ra một mạng liên kết việc làm, ổn định giá cả năng lượng, giảm xung đột quốc tế vì nhu cầu năng lượng, bởi mỗi quốc gia sẽ độc lập về năng lượng. Nó sẽ mang lại sức mạnh cho  hơn 4 tỉ người trên toàn thế giới. Cuối cùng, việc chuyển đổi WWS một cách tích cực trên toàn thế giới sẽ tránh được nguy cơ bùng nổ mức độ khí thải CO2 và qua đó mong tránh được thảm họa biến đổi khí hậu.

Mục tiêu 100% WWS vào năm 2050, liệu Việt Nam có đạt được? Câu hỏi được đặt ra chính là niềm mong mỏi chính sách năng lượng của Việt Nam sẽ hòa vào dòng chảy, con đường đi của loài người tiến bộ trên thế giới hiện nay. Năng lượng tái tạo là một cơ hội đầu tư vàng cho các doanh nghiệp bởi trữ lượng gần như vô tận trong khi giá thành năng lượng ổn định và có thể đoán trước được. Nếu có chính sách tốt, sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng là một cơ hội để Việt Nam thực hiện mục tiêu của mình về năng lượng sạch

Tổng đài chăm sóc toàn quốc: 090 242 1981 bke-solar@bkevietnam.net

Messenger icon Top