Danh mục Diễn đàn
Bài viết liên quan
Sinh lời từ điện mặt trời
Cụ thể từ ngày 1.6.2017, Tập đoàn điện lực VN (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời (ĐMT) nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/kWh).
Chính phủ 'chốt' giá điện mặt trời
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 1.6.2017), về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại VN.
Hộ gia đình khỏi lo tiền điện
Quyết định của Thủ tướng nêu rõ: Các dự án điện trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ (đồng hồ) hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc một năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện theo giá quy định.
Giọng đầy hồ hởi, ông Diệp Bảo Cánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần năng lượng Mặt trời đỏ (Red Sun), nói: “Tôi cũng như nhiều người hoạt động trong lĩnh vực này vui từ hôm có quyết định của Chính phủ đến giờ. Từ tuần trước đến giờ chúng tôi cũng bận rộn hơn nhiều vì phải chuẩn bị cho một thị trường sắp mở cửa, dự báo rất sôi động”.
Ông Trần Hữu Cường, ngụ Q.2 (TP.HCM), cũng phấn khởi: “Tôi đã tìm hiểu về lĩnh vực này rất nhiều và trước giờ cứ đắn đo giữa bộ ĐMT công suất 2 kW và 5 kW. Bộ nhỏ không đủ cho nhu cầu sử dụng còn bộ lớn xài không hết lại bỏ phí. Lấn cấn mãi về việc này nên chưa đầu tư. Nhưng với quyết định mới của Chính phủ, tôi sẽ lắp hẳn bộ công suất lớn vì dư cũng bán được, không phải bỏ phí. Từ nay về sau không phải hằng tháng lo tiền điện, giá điện tăng”.
Cuối năm ngoái, anh Nguyễn Văn Công (Q.10, TP.HCM) đầu tư bộ ĐMT công suất 5 kW với tổng chi phí lên đến 180 triệu đồng nên sử dụng không hết và thường phải “bán” với giá 0 đồng cho EVN. Quyết định của Chính phủ có thể giúp anh Công kiếm thêm thu nhập từ “nhà máy điện” trên nóc nhà của mình. “Việc thu lại được phần tiền đúng bằng với phần đã đóng góp cho lưới điện là hợp quy luật thị trường và khuyến khích cho ĐMT phát triển ngày càng mạnh,” anh Công nói.
Là người có kinh nghiệm sử dụng ĐMT, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), chia sẻ: “Tôi đầu tư hệ thống ĐTM cuối năm ngoái. Thời điểm đó vẫn chưa có quy định về mua bán điện giữa hộ gia đình và nhà cung cấp điện. Toàn bộ hệ thống 12 tấm pin mặt trời trên nóc nhà với tổng diện tích 24 m2 và bộ tích điện tốn chi phí 130 triệu đồng. Khi có quy định về việc mua bán điện, người dân sẽ giảm được chi phí đầu tư đáng kể khi không phải tốn thêm tiền đầu tư bộ tích điện. Điện xài không hết có thể coi như “gửi” lên lưới điện quốc gia, lúc cần đem xuống xài mà không cần tốn tiền mua. Nó sẽ khắc phục được bất cập hiện nay là thừa phải cho không nhưng khi cần sử dụng lại phải mua. Trước đây, tôi tính chi phí đầu tư hệ thống ĐMT tương đương 7 năm tiền mua điện hằng tháng. Với quyết định mới này thời gian hoàn vốn chỉ mất khoảng 3 - 4 năm”.
Doanh nghiệp đổ vốn vào điện mặt trời
Cũng theo Quyết định 11, bên mua có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án ĐMT. Thời hạn hợp đồng mua bán điện với các dự án ĐMT là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Các doanh nghiệp đầu tư vào ĐMT còn được ưu đãi về vốn, thuế, đất đai...
Khu vực nam Trung bộ có tiềm năng rất lớn về ĐMT. Theo Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, đến cuối năm 2015 mới có một dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc nhưng chỉ trong tháng 3.2017 vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục chấp thuận 2 dự án đầu tư khác.
Hiện dự án điện năng lượng mặt trời lớn nhất tại Bình Thuận nằm ở xã Sông Bình (H.Bắc Bình) có công suất 200 MW, chiếm diện tích đất tới 282 ha, do Tập đoàn điện lực VN (EVN) làm chủ đầu tư đã được lập quy hoạch bổ sung vào mạng lưới phát triển điện của tỉnh. Toàn bộ vùng tiềm năng ĐMT của Bình Thuận là trên 8.400 ha. Tổng công suất được quy hoạch 5.035 MW.
Trong đó, quy hoạch đến năm 2030 là 4.500 MW. Ngoài 37 nhà đầu tư đã được tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát và chấp thuận đầu tư, hiện vẫn có khá nhiều nhà đầu tư đang đề nghị được tỉnh cho nghiên cứu, đo nắng và lập dự án. Ông Dương Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý điện và năng lượng (Sở Công thương Bình Thuận), cho biết tỉnh đang rà soát lần cuối quy hoạch tổng thể về ĐMT tầm nhìn đến năm 2030. Ngay cả các mặt hồ thủy điện, hồ thủy lợi cũng được quy hoạch ĐMT vì các hồ nước này hoàn toàn có thể đặt phao nổi để lắp đặt các tấm pin mặt trời.
Điện than ngày càng đắt đỏ: Điện gió tắc vì giá
Điện gió là loại năng lượng đầu tiên trong nhóm năng lượng tái tạo có cơ chế giá bán điện. Nhưng chính cơ chế giá không hợp lý đã khiến hàng chục dự án đang “nằm chờ”.
Cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng thu hút được nhiều dự án ĐMT. Theo Sở Công thương Ninh Thuận, toàn tỉnh có 8 dự án đã được chấp thuận đầu tư, trong đó có 2 dự án đã tiến hành xong nghiên cứu khảo sát và đã lập dự án đang trình UBND tỉnh xem xét trước khi trình Bộ Công thương phê duyệt; khoảng 40 nhà đầu tư khác đang nộp hồ sơ làm ĐMT tại tỉnh. Các chuyên gia lĩnh vực ĐMT cho biết có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn đầu tư vào lĩnh vực này như: Hàn Quốc, Thái Lan, Đức... với quy mô mỗi dự án 30 - 100 MW.
Vừa là nhà sản xuất tấm pin và nhà đầu tư ĐMT, ông Cánh nói: “Dù mức giá mới được phê duyệt 9,35 cent/kWh còn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và mức giá kỳ vọng (trên 10 cent/kWh) của các nhà đầu tư, nhưng với việc có cơ chế mua bán và mức giá cụ thể như vậy cũng đã là thành công của lĩnh vực ĐMT ở VN. Tôi cho rằng với mức giá này, nếu nhà đầu tư khéo léo và đặt mức lợi nhuận vừa phải cũng có thể hoạt động được. Trong xu hướng chi phí đầu tư ngày càng giảm hiện nay thì lợi nhuận sẽ ổn định hơn”.