Câu hỏi thường gặp về Điện mặt trời

1. kWp là gì? 

Tấm Pin năng lượng mặt trời phát ra công suất không đều. Khi nắng to, công suất thu được cao. Khi trời râm, công suất thu được sẽ thấp. Wp (hay còn gọi là công suất đỉnh) là đơn vị được dùng để đo công suất tấm Pin năng lượng mặt trời sinh ra được khi nhận cường độ nắng tương đương 1000W/m2. Cường độ nắng này có thể đạt được vào rất ít thời điểm trong năm. Thường trong khoảng từ 11h đến 13h hàng ngày Cường độ nắng trung bình đạt khoảng 800 đến 900 W/m2. Tuy nhiên, vào một số ngày đặc biệt, cường độ nắng tại một số địa điểm có thể vượt 1000W/m2 (tức thời trong thời gian ngắn) cho nên việc một tấm Pin năng lượng mặt trời 250 Wp nhiều lúc cho ra công suất lớn hơn 250W vẫn thường xuyên xảy ra.  

2. Nhà tôi có nhiều thiết bị có công suất khác nhau, vậy tôi có dùng được máy phát Điện mặt trời không?

a. Máy phát điện mặt trời có lưu trữ có hoạt động phát điện đầu ra (AC 220V 50Hz) tương tự như các máy phát điện chạy xăng, dầu (chỉ khác là không dùng nhiên liệu đầu vào). Do đó, đầu ra máy phát chỉ cung cấp được công suất tối đa cố định. Tất cả các thiết bị nối với đầu ra máy phát phải có tổng công suất nhỏ hơn công suất phát của máy phát. Do đó, khi lắp đặt máy phát điện mặt trời có lưu trữ cần quy hoạch lại các lộ công suất trong nhà. Nếu không muốn quy hoạch lại đường điện trong nhà thì nên chuyển sang lắp đặt hệ thống điện mặt trời hoà lưới.  

b. Hệ thống điện mặt trời hoà lưới luôn hòa đồng bộ với lưới của EVN, nên công suất thiếu sẽ được lưới EVN tự động bù, hoặc thừa thì tự động đẩy ra lưới. Do đó, hệ thống điện mặt trời có thể dùng với mọi công suất tiêu thụ khác nhau. 

3. Thủ tục đấu nối với EVN như thế nào? 

a. Máy phát điện điện mặt trời có lưu trữ hoạt động như các máy phát điện chạy xăng dầu, không cần đẩy ngược công suất ra lưới nên không cần phải làm thủ tục đấu nối với EVN như các hệ thống điện mặt trời hòa lưới. 

b. Việc thực hiện đấu nối hệ thống điện mặt trời hoà lưới (nối lưới) với lưới điện của EVN tuân theo các văn bản sau: 
Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ 
Thông tư số 16/2017/TT-BCT của Bộ Công thương
Văn bản số 1337/EVN-KD của Tập đoàn điện lực Việt Nam
Để nhanh nhất, quý khách có thể liên hệ trực tiếp với các Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN tại địa phương để được trợ giúp.

4. Khu vực Miền Bắc về mùa đông có dùng được điện mặt trời hay không? 

Miền Bắc về mùa đông điện mặt trời hoạt động rất tốt do trời quang mây. Tấm Pin năng lượng mặt trời dựa vào hiệu ứng quang điện, phát điện nhờ bức xạ tần số cao chứ không dùng hiệu ứng nhiệt hồng ngoại như các hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời. Thêm nữa, về mùa đông nhu cầu về điện ở Miền Bắc giảm đột biến (do không cần chạy các hệ thống làm mát) nên tỉ trọng điện mặt trời sinh ra trên tổng số nhu cầu về điện của hộ tiêu thụ thậm chí còn cao hơn về mùa hè. Vấn đề lớn nhất của khu vực Miền Bắc là về mùa xuân, khi trời rất nhiều sương mù, khi đó lượng điện năng thu được khá thấp. 

5. Khi mất điện lưới từ EVN, hệ thống có dùng được không? 

a. Máy phát điện mặt trời được thiết kế để cung cấp điện tốt khi mất điện từ lưới. Nếu thời điểm mất điện vào lúc đang có nắng, thời gian hoạt động của máy phát điện mặt trời còn được kéo dài hơn so với thiết kế.

b. Hệ thống điện mặt trời hoà lưới cần phải hòa đồng bộ với một nguồn khác (nguồn lưới), do đó, hệ thống sẽ ngừng hoạt động ngay khi bị mất lưới.

6. Tấm Pin năng lượng mặt trời đơn tinh thể (Mono) tốt hơn tấm Pin mặt trời đa tinh thể (poly) có đúng không? 

Do công nghệ chế tạo, trước đây, hiệu suất cell của tấm pin mặt trời đa tinh thể (Poly) rất thấp. Nhưng với công nghệ hiện nay, hiệu suất của hai loại đơn tinh thể (Mono) và đa tinh thể (Poly) là gần như nhau. 
Do đặc điểm quy trình chế tạo, chi phí để sản xuất ra tấm cell đơn tinh thể phức tạp hơn và mất nhiều chi phí hơn. Do đó, tấm Pin năng lượng mặt trời đơn tinh thể (Mono) thường có giá thành cao hơn. 
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ ngoài trời thường rất cao. Tấm pin  mặt trời đa tinh thể (Poly) chịu hao mòn theo năm tại nhiệt độ cao tốt hơn tấm pin mặt trời đơn tinh thể (Mono). 

7. Tấm cell mono có độ tinh khiết cao hơn nên nó bền và tốt hơn có đúng không? 

Trong quy trình chế tạo phôi, để hình thành được lớp mạng tinh thể đồng nhất (kéo thỏi), vật liệu tạo phôi của tấm cell đơn tinh thể (Mono) đòi hỏi độ tinh khiết cao hơn. Thế nên, phôi của tấm cell đơn tinh thể có độ tinh khiết cao hơn tấm cell đa tinh thể.

Mời bạn tham khảo mô tả quy trình chế tạo tấm cell quang điện (pin năng lượng mặt trời như sau):   
Sau bước tạo phôi này người ta mới thu được loại bán dẫn tinh khiết, có đặc tính về điện rất kém so với mong muốn. Do đó, người ra phải tiến hành khuếch tán tạp chất (ví dụ: Phốt pho để tạo bán dẫn loại p, Bo để tạo bán dẫn loại n và rất nhiều loại tạp chất khác tùy theo công nghệ chế tạo). Do đó, sau khi ra thành phẩm, không thể kết luận tấm cell đơn tinh thể (Mono) hay tấm cell đa tinh thể (Poly) loại nào mới có độ tinh khiết cao hơn. Thêm nữa, độ tinh khiết cao cũng không nói lên điều gì về độ bền và phẩm chất của tấm cell. Độ tinh khiết cao trong khâu tạo phôi chính là lý do chính khiến quy trình chế tạo tấm cell đơn tinh thể phức tạp hơn và có chi phí cao hơn tấm cell đa tinh thể. 

 

 

Tổng đài chăm sóc toàn quốc: 090 242 1981 bke-solar@bkevietnam.net

Messenger icon Top