Điện mặt trời giải quyết sức ép về nhu cầu năng lượng

Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng phát triển điện mặt trời, tương đương với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines...

Mặc dù Việt Nam hiện sử dụng các nguồn tài nguyên truyền thống như than, thủy điện và khí để sản xuất điện, nhưng thực tế cho thấy đang đứng trước sức ép về nhu cầu năng lượng. Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải hướng tới xây dựng cơ cấu năng lượng cân bằng thông qua phát triển năng lượng tái tạo nhằm thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 với tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt khoảng 32,3% và tăng lên khoảng 44% vào năm 2050.

Cường độ sử dụng năng lượng cao

Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia có cường độ sử dụng năng lượng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; trong đó, ngành công nghiệp chiếm tỷ lệ tiêu thụ năng lượng cao nhất, với mức khoảng 47,3% tổng năng lượng sử dụng cuối cùng.

Hiện nay, nguồn điện miền Bắc cung cấp được 95 tỷ kWh, nhưng chỉ tiêu dùng 75 tỷ kWh; miền Trung cung cấp được 32 tỷ kWh và tiêu dùng hơn 17 tỷ kWh; còn khu vực miền Nam sản xuất tại chỗ được 70 tỷ kWh, nhưng tiêu dùng tới 85 tỷ kWh, chiếm gần 50% tổng nhu cầu điện cả nước. Đó là lý do năm 2017 cũng như những năm trước đây, đường dây 500kV Bắc - Nam luôn phải truyền tải điện công suất cao từ Bắc vào Nam.

Cụ thể, năm 2017, sản lượng điện truyền tải từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam đạt trên 21,6 tỷ kWh, tương đương 23% nhu cầu điện miền Nam (tăng tới 46% so với năm 2016). Công suất truyền tải lớn nhất trên hệ thống đường dây Trung - Nam trên 4.600 MW.

Với thực trạng hiện nay, các chuyên gia cho rằng, giải pháp đầu tiên là phải cơ cấu lại các nguồn trong từng khu vực để phù hợp với nhu cầu phụ tải của khu vực hoặc phải có hệ thống truyền tải kết nối, nếu tăng công suất truyền tải sẽ không đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cho biết, hiện nay các nhà máy điện ở khu vực miền Nam không đáp ứng được nhu cầu phụ tải. Dự báo từ năm 2021 - 2022 sẽ thiếu hụt khoảng 1,2 - 1,6 tỷ kWh/năm và có thể cao hơn trong trường hợp các dự án nhiệt điện than không hoàn thành theo tiến độ.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Điện Việt Nam đánh giá, ngành điện lực Việt Nam sau quá trình xây dựng và phát triển thì đến 2014 hệ thống điện Việt Nam đã có nguồn dự phòng. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn bị áp lực lớn về nguồn điện nên phát triển nguồn năng lượng mới như: điện mặt trời tại các nhà máy điện tập trung, khu dân cư, áp mái... sẽ phát huy hiệu quả, giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến điện năng.

Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm. Tại Việt Nam, nguồn năng lượng này chủ yếu được khai thác từ các nhiên liệu không tái tạo như than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên..., nhưng hiện nguồn năng lượng này đang dần cạn kiệt, các nguồn thủy điện quy mô lớn và trung bình hầu như đã được khai thác. Đồng thời, việc "lạm dụng" những nguyên liệu trên cũng kéo theo những hệ lụy về môi trường và cuộc sống người dân.

Song song đó, trước ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và việc tìm kiếm nguồn năng lượng mới thay thế cho năng lượng hóa thạch đang diễn ra mạnh mẽ tại các quốc gia phát triển, trong đó có Việt Nam nên các nguồn năng lượng tái tạo dần trở nên phổ biến và là xu hướng phát triển chung trên thế giới.

Trong 15 năm trở lại đây, năng lượng mặt trời được xem là lĩnh vực phát triển nhanh với tốc độ trung bình 25%/năm. Thị trường điện mặt trời trên thế giới thể hiện 3 xu hướng chính, gồm: điện mặt trời áp mái cho nhà dân (Roof-top resident), điện mặt trời áp mái cho cơ sở sản xuất (Roof-top factory) và nhà máy điện năng lượng mặt trời (Solar Plant).

Tiềm năng lớn

Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng phát triển điện mặt trời, tương đương với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines... Cụ thể, tổng số giờ nắng của Việt Nam khoảng 1.600 - 2.700 giờ/năm và bức xạ mặt trời bình quân hàng năm đạt khoảng 4 - 5 kWh/m2/ngày.

Theo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) cũng xác định ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng mặt trời. Qua đó, nâng công suất đặt từ 6 - 7 MW năm 2017 lên khoảng 850 MW vào năm 2020 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030, tương đương với 1,6% và 3,3% tổng công suất nguồn điện.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời. Cụ thể, tháng 4/2017, Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; trong đó, quy định, giá mua điện là 9.35 UScent/kWh. Đến tháng 9/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT hướng dẫn chi tiết các quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Việc ban hành giá mua điện mới và Hợp đồng mua bán điện mẫu đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút đầu tư tư nhân vào thị trường điện mặt trời tại Việt Nam và ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang xây dựng kế hoạch phát triển các dự án điện mặt trời và triển khai việc lựa chọn công nghệ phù hợp để hiện thực hóa các dự án.

Nhìn lại sau một năm thực hiện Quyết định 11 và Thông tư 16 về phát triển điện mặt trời ở Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương cho hay, đến nay các trang trại điện mặt trời đã có 100 dự án được bổ sung vào quy hoạch điện cấp tỉnh/quốc gia. Tổng công suất đăng ký là 4,7GW vào năm 2020; trong đó có 58 dự án đã được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phê duyệt thiết kế cơ sở và 9 dự án đã ký được Hợp đồng mua bán điện. Đối với các dự án điện mặt trời áp mái tính đến cuối tháng 7/2018 đã có 748 dự án với tổng công suất là 11,55 MWp.

Còn theo bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Khối kinh doanh Tập đoàn Năng lượng Mặt trời Bách khoa (SolarBK Holdings), trong bối cảnh điện mặt trời còn khá mới mẻ và các cơ chế, chính sách đang dần hoàn thiện thì sự liên kết giữa các doanh nghiệp sẽ góp phần đưa điện mặt trời đến gần với hoạt động sản xuất và tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, với giải pháp điện mặt trời áp mái đầu tiên tại Việt Nam có bảo hiểm sản lượng điện và hỗ trợ dịch vụ tài chính do SolarBK Holdings và Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai thì đây là lần đầu tiên điện mặt trời được một tổ chức thứ 3 độc lập đứng ra bảo hiểm sản lượng điện.

Vấn đề áp dụng năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng trong sản xuất kinh doanh và sinh hoạt được xem như sự đầu tư hiệu quả về kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường.

Năng lượng tái tạo cũng đang là xu hướng phát triển mới với những nguồn năng lượng xanh và bền vững như năng lượng mặt trời, gió, mưa, thủy triều, sóng và địa nhiệt.

Để thúc đẩy định hướng trên, ngành năng lượng cần có những bước cải tiến mạnh mẽ về công nghệ và kỹ thuật, cập nhật thêm nhiều kiến thức chuyên ngành cũng như các giải pháp mang tính đặc thù nhằm phát triển nguồn năng lượng xanh.

 

Tổng đài chăm sóc toàn quốc: 090 242 1981 bke-solar@bkevietnam.net

Messenger icon Top